Cơ hội để bứt phá về công nghệ

|

Thị trường viễn thông thế giới đang chứng kiến cuộc đua đầy gay cấn khi hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ lớn đều đã tiến vào giai đoạn "nước rút" trong triển khai công nghệ 5G.

Riêng tại Việt Nam, theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta sẽ thử nghiệm công nghệ này vào năm 2019, tiến tới chính thức thương mại hóa vào năm 2020. Việc trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai 5G sẽ là cơ hội để ngành công nghệ thông tin của Việt Nam bứt phá, đẩy cao thứ hạng trên bản đồ công nghệ thế giới.

Xu thế chủ đạo của tương lai

Theo tiêu chuẩn do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa công bố, tốc độ tải xuống tối đa của 5G có thể đạt tới 20Gbp/giây và 10Gbp/giây ở chiều tải lên. Trong khi đó, tốc độ tối đa về lý thuyết của 4G chỉ là 100 Mbp/giây, tức là 5G nhanh gấp 200 lần so với 4G. Thế nhưng, tốc độ cao vẫn chưa phải ưu thế quan trọng nhất của 5G mà chính là độ trễ thấp và khả năng kết nối được nhiều hơn thiết bị cùng lúc. Ðiều này đóng vai trò hết sức quan trọng khi chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên của in-tơ-nét vạn vật (IoT), của xe tự lái, đô thị thông minh hay nhiều ứng dụng khác của công nghệ tự động không dây.

Với tiêu chuẩn về độ trễ thấp siêu ổn định khoảng một milisecunde (ms), 5G đang mở ra vô số tiềm năng công nghệ mới, thí dụ: Xe buýt vận hành hoàn toàn tự động, an toàn trên đường phố hay bác sĩ phẫu thuật từ xa thông qua hệ thống rô-bốt,… Bên cạnh đó, 5G còn được cho là sẽ tiêu tốn điện năng ít hơn rất nhiều so với 4G, nhờ vậy mà thời lượng pin của các thiết bị kết nối mạng cũng sẽ cao hơn.

Với những ưu điểm vượt trội đó, 5G được dự báo sẽ trở thành xu hướng công nghệ viễn thông chủ đạo thời gian tới, đóng vai trò xương sống của hạ tầng kết nối trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, cuộc đua phát triển 5G trên phạm vi toàn cầu cũng đang trở nên gay cấn. Hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn tại nhiều quốc gia như Sprint của Mỹ, Bharti Airtel của Ấn Ðộ, SK Telecom và KT của Hàn Quốc hay NTT DoCoMo của Nhật Bản,… đã liên tiếp công bố kế hoạch triển khai công nghệ 5G ngay trong năm 2019. Hiện, 134 nhà khai thác viễn thông tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ đang triển khai hoặc có kế hoạch triển khai thử nghiệm 5G.

Dự báo, toàn thế giới sẽ có khoảng 400 triệu thuê bao kết nối 5G vào năm 2022. Riêng tại châu Á, theo nhận định của Hiệp hội Các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA), đây sẽ là thị trường 5G lớn nhất thế giới vào năm 2025 với số lượng khoảng 675 triệu kết nối, tương đương 50% lượng kết nối 5G toàn cầu. Tuy nhiên, cũng theo GSMA, để có thể đạt được tốc độ phát triển như vậy, các nhà khai thác mạng di động tại châu Á sẽ phải bỏ ra một khoản đầu tư trị giá khoảng 200 tỷ USD trong vòng ba năm (2018 - 2020) nhằm nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng mạng 4G lên 5G. Bù lại, doanh thu thị trường di động tại khu vực này có thể sẽ đạt mức 454 tỷ USD vào năm 2025, tăng 38 tỷ USD so với 416 tỷ USD năm 2017.

Bắt kịp cơ hội

Các chuyên gia về công nghệ viễn thông đều khẳng định, công nghệ 5G chắc chắn sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định, cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có nhờ khả năng giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật. Vì vậy, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc bắt kịp làn sóng 5G không chỉ là cơ hội để Việt Nam phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin, thay đổi thứ hạng của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới mà cũng là thời cơ để triển khai những dịch vụ kết nối mới, tạo ra nhân tố đột phá cho thị trường viễn thông hiện nay.

"Với việc sớm triển khai mạng di động 2G (chỉ sau ba năm khi công nghệ này xuất hiện trên thế giới), cùng với chủ trương thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường viễn thông, Việt Nam đã từng lọt vào tốp 20 nước phát triển viễn thông toàn cầu. Nhưng khi chuyển sang 3G và 4G, vì đi chậm về công nghệ, lại thiếu yếu tố cạnh tranh mới, viễn thông Việt Nam đang xếp hạng thứ 115 trên 193 nước về mật độ thuê bao di động băng rộng (theo xếp hạng của ITU năm 2017), tức là dưới mức trung bình của thế giới. Công nghệ 5G là cơ hội để chúng ta thay đổi thứ hạng. Muốn vậy, chúng ta phải trở thành nước đi đầu, chưa được trên phạm vi toàn quốc thì có thể phát triển ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019; đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai công nghệ mới này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Trước những lo ngại về thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam liệu có quá sớm khi khoảng thời gian thương mại hóa 4G mới được hai năm và các nhà mạng trong nước cũng chưa kịp khai thác hết tài nguyên của công nghệ cũ, bà X.Am-xtrong, Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ của Qualcomm - một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông tiên phong trong phát triển công nghệ mạng 5G, chia sẻ: Với độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, 5G sẽ mang lại tiềm năng ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như IoT, đô thị thông minh hay y tế thông minh,… Bên cạnh đó, giá thành trên một GB của 5G sẽ thấp hơn rất nhiều so với 4G (dự báo thấp hơn khoảng 10 lần) cho nên với những ứng dụng dữ liệu lớn, mạng 5G sẽ tạo điều kiện cho nhà mạng tăng lợi thế.

Quan trọng nhất là muốn phát triển những ứng dụng về IoT, bắt buộc phải có 5G để bảo đảm tính ổn định. Theo xu hướng hiện nay, các hệ thống mạng 5G thương mại sẽ sớm được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới vào năm 2020. Do đó, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần xem xét kế hoạch triển khai 5G để bắt kịp đà phát triển của thế giới. Cần chuẩn bị đầy đủ về băng tần cho 5G; xây dựng chiến lược chi tiết cho việc thiết kế, xây dựng hạ tầng 5G cũng như kế hoạch kinh doanh và triển khai 5G song song với các công nghệ cũ như 3G, 4G; cuối cùng và cũng rất quan trọng là cần sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối. Khi đủ ba yếu tố này, việc triển khai 5G tại Việt Nam chắc chắn sẽ đúng tiến độ, mang lại hiệu quả, tạo ra bước đột phá cho ngành công nghệ thông tin nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.